Điện mặt trời áp mái - Tiềm năng lớn cần được khai phóng
Kinhtedothi - Trước sức ép về nhu cầu năng lượng cùng việc phát triển
nóng các dự án điện mặt trời gây quá tải lưới điện thì điện mặt trời áp
mái đang được coi là một giải pháp hiệu quả không chỉ trước mắt mà cả về
lâu dài.
Với chính sách khuyến khích và hỗ hỗ
của nhà nước đối với nguồn năng lượng tái tạo, vài năm gần đây đã có
hàng trăm dự án điện mặt trời ĐMT) được triển khai xây dựng, tập trung
tại nhiều tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bình Phước,
Lâm Đồng...
Tuy nhiên có một thực
tế, sự phát triển quá nóng của các dự án ĐMT tập trung vào các các khu
vực có nguồn bức xạ lớn đã dẫn đến nguy cơ quá tải lưới điện và mất an
toàn trong vận hành hệ thống điện.
Theo thống kê, 2 tỉnh Ninh Thuận và
Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công
suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và
điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW. Trong khi nguồn công
suất tại chỗ rất lớn thì nhu cầu phụ tải của Ninh Thuận và Bình Thuận
lại rất nhỏ dẫn đến thực trạng đa số các đường dây, TBA từ 110-500 kV
trên địa bàn đều quá tải. Trong đó có đường dây quá tải lên đến 360%.
Mức mang tải của các đường dây còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới
khi tiếp tục có nhiều dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện đưa vào vận
hành.
Theo báo cáo của Tập đoàn
điện lực Việt Nam (EVN), Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện,
nhất là giai đoạn từ 2021-2025 và sau đó. Đặc biệt, dự báo đến năm 2023,
hệ thống sẽ thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh, chiếm 5% so với nhu cầu của cả
nước.
Trong bối cảnh hệ thống
điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm
2020 khi cả nước không có nguồn khai thác mới, đòi hỏi phải tiếp tục đa
dang hóa các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn năng lượng mặt
trời đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng
lượng quốc gia.
Một trong giải
pháp được coi là khả thi nhất hiện nay là phát triển điện mặt trời áp
mái (ĐMTAM)- là loại hình ĐMT được lắp đặt với quy mô nhỏ trên mái nhà
dân, mái tòa nhà thương mại, mái công xưởng, nhà máy... với quy mô vài
kW tới MW.
Trang trại năng lượng xanh
Theo
EVN, ĐMTAM có thể nối lưới trực tiếp vào lưới điện hạ thế và trung thế,
không gây quá tải. Đối với các hộ dân, doanh nghiệp, khi lắp đặt ĐMTAM
có thể làm cho nhiệt độ trong nhà mát hơn, tiết kiệm chi phí, đồng thời
có thể bán lại điện cho EVN…
Theo
các chuyên gia về ngành điện, quy mô các dự án ĐMT thường từ suýt soát
50 MW tới vài trăm MW. Một dự án ĐMT có quy mô 50 MW cần diện tích đất
bằng phẳng khoảng 60 hecta, khá tốn đất đai. Trong khi đó, ĐMTAM tận
dụng diện tích mặt bằng mái lớn tại các khu dân cư, cơ sở sản xuất của
doanh nghiệp. Một trong những hướng đi được các chuyên gia nhìn nhận có
nhiều khả thi hiện nay là phát triển ĐMTAM tại các trang trại sản xuất
nông nghiệp hộ gia đình.
Theo đó,
mô hình này vừa tận dụng mặt bằng mái phát điện để phục vụ cho sản
xuất, tiết kiệm chi phí, đồng thời phát huy được nguồn lực đất đai bên
dưới. Khi áp dụng mô hình này, cả địa phương, doanh nghiệp và người dân
đều được lợi bởi đây là mô hình sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi
trường, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, thu hút thêm lao động tại
các địa phương, đồng thời chia sẻ những áp lực cho ngành điện.
Tại
Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã nêu rõ
về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam, trong đó
có nêu giá bán điện từ các nhà máy ĐMT, bao gồm cả từ trang trại ĐMT và
ĐMTAM là 9,35 US cent/ kWh (2086 đồng/ kWh theo tỷ giá chuyển đổi năm
2017).
Để khuyến khích hơn nữa
phát triển ĐMTAM, ngày 8/1/2019 Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết
định số 02/2019/QĐ-TTg của về sửa đổi một số điều của Quyết định số
11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017, trong đó thay vì hộ đầu tư ĐMTAM chỉ bán
phần dư của điện từ nguồn ĐMTAM như quy định trước (qua cơ chế bù trừ),
thì sẽ được bán toàn bộ lượng điện sản xuất từ ĐMTAM với giá ưu đãi, còn
vẫn mua riêng rẽ điện của EVN với giá hiện hành (bình quân 1720 đồng/
kWh) qua điện kế 2 chiều.
Thực
hiện chủ trương của Chính phủ, EVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiên
phong triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, tính đến cuối
năm 2018, các đơn vị trực thuộc đã lắp đặt được 54 công trình với tổng
công suất 3,2 MWp. Đối với khách hàng là các công sở, doanh nghiệp, hộ
gia đình…, các Tổng Công ty Điện lực và Công ty điện lực đã ký kết thực
hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản
lượng điện năng giao nhận với 1800 khách hàng đăng ký bán điện mặt trời
áp mái với tổng công suất 30,12 MWp.
Mặc
dù vậy, tại cuộc hội thảo mới đây, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc
EVN cho biết dù đã có định hướng, cơ chế hỗ trợ của Chính phủ và sự vào
cuộc tích cực của các Bộ, ngành, song hai năm qua địa phương song 2 năm
qua mới có 1.800 hộ tham gia lắp đặt điện mặt trời với khoảng 30 MW còn
quá nhỏ so với tiềm năng.
Theo
phản ánh từ các đơn vị điện lực và các chuyên gia, việc người dân chưa
mặn mà với ĐMTAM là do khả năng tài chính ban đầu của hộ gia đình, khu
vực phía Bắc và Trung Bộ có giờ nắng ít hơn các tỉnh phía Nam nên hiệu
quả đầu tư còn thấp, nhận thức tại một số địa phương còn chưa đúng và
đầy đủ về nguồn năng lượng tái tạo…
Từ
những rào cản nêu trên, EVN đã đưa ra nhiều kiến nghị như: tuyên truyền
quảng bá về lợi ích của phát triển ĐMTAM; Chính phủ nên có các cơ chế
hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu nhằm khuyến
khích các hộ lắp đặt ĐMTAM; Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư thay
thế, hoặc sửa đổi Thông Tư 16/2017/TT-BCT về tiêu chuẩn kỹ thuật và cơ
chế mới khuyến khích ĐMTAM…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét